Hoạt động Bánh đà phản lực

Bánh đà phản lực chỉ có khả năng xoay một phi thuyền quanh tâm của nó, không có khả năng di chuyển phi thuyền tới một vị trí khác. Để xoay phi thuyền theo một hướng, các bánh đà phản lực thích hợp quay theo hướng ngược lại. Khi mômen động lượng của bánh đà thay đổi, mômen động lượng của phần còn lại của phi thuyền phải thay đổi một giá trị ngược lại để đảm bảo tổng mômen động lượng của phi thuyền không đổi (theo bảo toàn mô men động lượng, do phi thuyền có thể coi là không chịu mômen ngoại lực nào).

Thực tế, những mômen lực nhỏ bên ngoài phi thuyền có thể khiến bánh đà phải liên tục thay đổi tốc độ một cách từ từ để duy trì phi thuyền theo một phương hướng nhất định.

Bánh đà phản lực thường được quay bằng động cơ điện. Những thay đổi trong tốc độ được điều khiển bởi máy tính điện tử. Sức bền của các vật liệu của một bánh đà phản lực quyết định tốc độ quay tối đa của nó, và do đó lượng mômen động lượng tối đa mà nó dự trữ. Vượt qua tốc độ quay tối đa, lực ly tâm sẽ làm bánh đà bung ra.

Bánh đà phản lực thường chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng của một phi thuyền, nhưng những thay đổi tốc độ quay của nó đem lại những thay đổi rất chính xác về phương hướng của phi thuyền, do đó, bánh đà phản lực thường được dùng trong phi thuyền với các máy ảnh hoặc dùng trong kính thiên văn. Ví dụ kính viễn vọng không gian Hubble sử dụng bánh đà phản lực để ổn định chuyển động quay.